Hình thức Dây_pallium

Theo truyền thống, dây Pallium là một dây len trắng, rộng chừng 4 cm, có đeo hai miếng vải, một phía trước, một phía sau, trên đó thêu 6 thánh giá nhỏ màu đen. Dây này chỉ được sử dụng khi cử hành nghi thức phụng vụ trong phạm vi Tổng giáo phận của Tổng Giám mục. Khi sử dụng, Giáo hoàng và các Tổng Giám mục đeo dây này quanh cổ, ngực và vai.

Lông chiên để dệt dây Paliium được lấy từ hai con chiên đặc biệt do các tu sĩ dòng khổ tu Trappists nuôi tại Tre Fontane. Mỗi năm, Giáo hoàng làm phép hai con chiên này vào ngày lễ thánh Agnes (21 tháng 1) tại Nhà thờ St. Agnes, Roma; sau đó, các nữ tu dòng Biển Đức tại Vương cung Thánh đường Cecilia dùng lông chiên để dệt thành dây Pallium. Các dây dệt xong sẽ được đặt trong chiếc hộp đồng, đặt gần ghế của Thánh Phêrô, phía trên mộ Thánh Phêrô (Bàn thờ chính ở phía trên mộ Thánh Phêrô) cho đến ngày 29 tháng 6.

Dây Pallium là biểu hiệu cổ kính nhất của Giám mục. Được làm bằng lông chiên, dây Pallium biểu tượng cho hình ảnh những con chiên lạc mà Chúa Jesus vác trên vai và đem về nhà. Theo đó, hình ảnh các Giám mục mang dây Pallium cũng hàm ý các mục tử cùng "vác nhau trên vai" - nâng đỡ nhau phụng vụ cho toàn nhân loại. Thánh Simeon thành Tessalonica viết: "Dây Pallium chỉ Chúa Cứu Thế khi gặp chúng ta như chiên lạc đàn, Ngài vác lên vai, và khi nhận lấy nhân tính con người trong cuộc nhập thể, Ngài thần hóa nhân tính ấy bằng cái chết của Ngài trên Thánh Giá, Ngài dâng chúng ta cho Chúa Cha, và qua cuộc phục sinh, Ngài nâng chúng ta lên cao".[21]

Giáo hoàng Biển Đức XVI với dây Pallium dài 2.6m

Trong bài huấn từ tại lễ đăng quang của mình ngày 24 tháng 4 năm 2005, Giáo hoàng Biển Đức XVI nói:

"Pallium, dệt bằng len tinh ròng, sẽ được đặt trên vai tôi. Dấu xưa đây, mà các Giám mục Roma đã mang từ thế kỷ thứ IV, có thể được xem như hình ảnh ách của Chúa Kitô, mà Giám mục Thành này, người tôi tớ của các tôi tớ Chúa, mang trên vai mình. Ách của Chúa là ý muốn của Chúa, mà chúng ta chấp nhận. Và ý muốn này không đè nặng trên chúng ta, đè nén chúng ta và làm chúng ta mất tự do. Biết điều gì Chúa muốn, biết nơi nào gặp được con đường sự sống - đó là niềm vui của Israel, đó là đặc ân lớn của Israel. Đó cũng là niềm vui chúng ta: ý muốn của Chúa không làm cho chúng ta bị tha hóa, ý muốn đó thanh luyện chúng ta - mặc dầu điều này có thể gây nên đau khổ - và như vậy đưa chúng ta trở về với chúng ta. Như vậy, chúng ta phục vụ không những chính Người, mà còn sự cứu rỗi của toàn thế giới, của toàn lịch sử.'

Biểu tượng dây Pallium còn cụ thể hơn: len con chiên có ý diễn tả con chiên lạc, bịnh hoạn hay ốm yếu mà người mục tử vác trên vai mình và đưa nó tới nước hằng sống. Đối với các Giáo phụ, dụ ngôn con chiên lạc, mà người mục tử tìm kiếm trong hoang địa, là một hình ảnh mầu nhiệm của Chúa Kitô và Giáo hội. Nhân loại - mỗi người trong chúng ta - là con chiên lạc trong sa mạc không còn biết đường về. Con Thiên Chúa sẽ không muốn cho điều này xảy ra; Người không thể bỏ nhân loại trong một điều kiện khốn khổ như vậy. Người nhanh chân và bỏ vinh quang thiên đình, hầu đi tìm con chiên và theo dõi nó, suốt con đường tới Thánh Giá. Chúa vác Thánh Giá trên vai mình và vác nhân loại chúng ta; Người vác tất cả chúng ta- người là đấng chăn chiên lành thí mạng sống vì con chiên. Điều mà dây Pallium chỉ rõ trước nhất và hơn hết là tất cả chúng ta được Chúa Giêsu vác. Nhưng đồng thời dây Pallium mời chúng ta gánh vác cho nhau. Do đó dây Pallium trở nên một biểu tượng về sứ vụ của mục tử."[22]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Dây_pallium http://whispersintheloggia.blogspot.co.at/2014/06/... http://whispersintheloggia.blogspot.com/2006/01/of... http://www.ewtn.com/library/PAPALDOC/P6PALLIU.HTM http://www.intratext.com/IXT/ENG0017/_P1I.HTM http://wdtprs.com/blog/2015/01/pope-francis-will-n... http://theratzingerforum.yuku.com/sreply/59672/Pap... http://www.dieter-philippi.de/en/ecclesiastical-fi... http://faculty.cua.edu/pennington/churchhistory220... http://d-nb.info/gnd/4407747-6 http://saintbedestudio.blogspot.mx/2013/03/papal-r...